Có rất nhiều thuật ngữ mới lạ đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán. Một trong những thắc mắc phổ biến nhất của họ là Giá trần, giá sàn, giá tham chiếu là gì? Nếu bạn cũng nằm trong những người đang có những câu hỏi tương tự thì bài viết sau là dành cho bạn.

I. Giá trần, giá sàn, giá tham chiếu là gì?

     1. Giá trần là gì?

Giá trần có tiếng Anh là Ceiling price, được hiểu là mức giá cao nhất mà một mã cổ phiếu có thể tăng trong một phiên giao dịch. Nhà đầu tư sẽ không được đặt giá mua hoặc bán vượt quá mức giá này.

Trên bảng giá chứng khoán, giá trần được thể hiện bằng màu tím như hình dưới:

Giá trần, giá sàn
Giá trần, giá sàn

Ví dụ: Giá trần của mã cổ phiếu FPT trong phiên giao dịch theo hình là 105.00 (tương đương 105.000 đồng/cp). Như vậy, bạn không thể đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu FPT với mức giá cao hơn 105.000 đồng trong phiên giao dịch này.

     2. Giá sàn là gì?

Giá sàn có tiếng Anh là Price Floor, tức là mức giá thấp nhất mà một mã cổ phiếu có thể giảm trong phiên giao dịch. Giá sàn được thể hiện bằng màu xanh lơ.

Tương tự với giá trần, nhà đầu tư cũng sẽ không thể đặt mua hoặc bán với mức giá thấp hơn giá sàn.

Giá trần, giá sàn
Giá trần, giá sàn

Theo ví dụ trong hình, mức giá sàn của HDB trong phiên giao dịch ngày hôm đó là 22.90 (tương đương 22.900 đồng/cp). Bạn sẽ không thể đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu này với mức giá thấp hơn trong phiên giao dịch đó.

     3. Giá tham chiếu là gì?

Đối với 2 sàn giao dịch HSX (HOSE) và HNX, giá tham chiếu là mức giá đóng cửa của mỗi mã cổ phiếu tại phiên giao dịch gần nhất (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt khác). Còn đối với sàn UPCOM, giá tham chiếu sẽ tính theo bình quân gia quyền (trung bình cộng của tất cả mức giá giao dịch lô chẵn diễn ra trong ngày giao dịch trước đó).

Trên bảng giá chứng khoán, giá tham chiếu sẽ được biểu thị bởi màu vàng. Mức giá này sẽ là cơ sở để tính toán giá trần, giá sàn của mỗi cổ phiếu.

Giá trần, giá sàn
Giá trần, giá sàn

Cột TC trên hình là giá tham chiếu thể hiện mức giá mỗi cổ phiếu trong phiên gần nhất.

Ví dụ: Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5/2022, cổ phiếu HDB có giá 24.60 (tức 24.600 đồng/cp). Như vậy, giá tham chiếu của cổ phiếu HDB trong phiên giao dịch ngày 26/5/2022 sẽ là 24.60.

II. Giá mở cửa và giá tham chiếu có giống nhau không?

Nhiều người luôn lầm tưởng rằng giá mở cửa và giá tham chiếu chính là một. Thế nhưng, 2 cụm từ này đều mang 2 ý nghĩa khác nhau.

Giá mở cửa được định nghĩa là mức giá khớp lệnh đầu tiên trong phiên mỗi giao dịch. Giả sử, trong trường hợp giá tham chiếu của cổ phiếu ABC là 50.00. Tuy nhiên người mua và người bán đều cùng đặt lệnh với giá 50.20 ngay khi phiên giao dịch bắt đầu, giá mở cửa của cổ phiếu ABC sẽ là 50.20.

III. Công thức tính giá trần, giá sàn là gì?

Mỗi sàn chứng khoán sẽ có biên độ dao động giá không giống nhau. Cụ thể biên độ dao động của mỗi sàn thể hiện như sau:

Sau khi có được thông tin về giá tham chiếu và sàn chứng khoán niêm yết của mã cổ phiếu đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tính được giá trần, giá sàn của từng cổ phiếu. Cụ thể như sau:

Giá trần = Giá tham chiếu x (Biên độ dao động + 100%)

Giá sàn = Giá tham chiếu x (Biên độ dao động + 100%)

Cách tính giá trần, giá sàn sẽ được phụ thuộc vào việc cổ phiếu đó được niêm yết tại sàn nào. Sau khi biết được cổ phiếu đó có giá tham chiếu là bao nhiêu, bạn sẽ dễ dàng tính được giá trần, giá sàn.

Giả sử, trường hợp cổ phiếu ABC có giá tham chiếu là 100.000 đồng và được niêm yết tại sàn HOSE. Như vậy, giá trần, giá sàn của cổ phiếu này lần lượt sẽ là 107.000 đồng và 93.000 đồng. Còn đối với cổ phiếu XYZ cũng có giá tham chiếu tương tự nhưng được niêm yết tại sàn UPCOM, giá trần, giá sàn của cổ phiếu này lần lượt sẽ là 115.000 đồng và 85.000 đồng.

Dưới đây là quy định về biên độ giá giao dịch tại ba sàn giao dịch (so với giá tham chiếu).

Biên độ giá HOSE HNX UpCOM
Cổ phiếu trong ngày 7% 10% 15%
Cổ phiếu mới niêm yết tại ngày đầu tiên hoặc được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch hơn 25 ngày 20% 30% 40%
Cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho các cổ đông hiện hữu 20% 30% 40%

IV. Kết luận

Hi vọng nội dung trên đã giải đáp phần nào cho các nhà đầu tư mới nắm được câu hỏi giá trần, giá sàn, giá tham chiếu là như thế nào? Nắm được các thông tin cơ bản, đặc biệt là đọc hiểu được bảng giá chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư thêm tự tin trên con đường đầu tư của chính mình.

Thông qua bài viết, EFX mong các nhà đầu tư có thêm kiến thức thực hiện giao dịch thành công và thu được nhiều lợi nhuận.

Xem thêm các thông tin và nhận hỗ trợ tại Fanpage

Chúc các nhà đầu tư luôn thành công!