Trong bài viết lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm bullish là gì, về đặc điểm của thị trường tăng giá và các chiến lược giao dịch hiệu quả trong thị trường này.
Bullish là gì? Thị trường bullish là gì?

Bên cạnh việc ám chỉ về xu hướng tổng thể của một loại thị trường thì thuật ngữ bullish đôi khi còn được sử dụng để nói đến một loại tài sản riêng biệt (như chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa…) hoặc một ngành nghề cụ thể. Nhưng tính chất chung của những thị trường, tài sản hay ngành nghề này đều là đang có xu hướng đi lên về giá cả, giá trị hoặc sự phát triển.
Bullish market hay thị trường bullish là một thị trường tăng giá, mà ở đó, giá cả của các loại tài sản đang tăng lên nhanh hơn mức trung bình trong lịch sử, trong một khoảng thời gian dài với khối lượng giao dịch lớn.
Sở dĩ sử dụng thuật ngữ “bullish” để chỉ thị trường tăng giá vì tính chất của thị trường này khá giống với xu hướng tấn công của con bò – “bull”, nó sẽ dùng cặp sừng của mình để tấn công đối phương từ dưới lên. Ngược lại, thuật ngữ “bearish” chỉ thị trường giảm giá vì nó cũng tương đồng với xu hướng tấn công của con gấu – “bear”, giáng đòn rất mạnh từ trên xuống.
Trong thị trường bullish, người ta kỳ vọng giá sẽ tăng lên nên nhu cầu mua vào luôn cao hơn rất nhiều so với bán ra, kết quả là khiến cho giá của tài sản càng được đẩy lên cao hơn nữa.
Mặc dù bản chất của bullish vẫn là sự tăng giá nhưng với mỗi đối tượng khác nhau, mỗi khung thời gian khác nhau thì khái niệm này sẽ được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau.
Bullish trong ngắn hạn
Thị trường tăng giá trong ngắn hạn nghĩa là ở thời điểm hiện tại, giá đang tăng và nhà đầu tư đang kỳ vọng giá sẽ tăng lên nữa trong những khoảng thời gian ngắn, từ vài phút, vài giờ đến vài ngày.
Thị trường tăng giá trong ngắn hạn không thể vội vàng kết luận đó là một đoạn tăng giá trong xu hướng tăng chung dài hại mà nó cũng có thể là một đoạn điều chỉnh tăng trong một xu hướng giảm dài hạn hay trong một thị trường bearish dài hạn.
Căn cứ sự kỳ vọng của nhà đầu tư về một bullish ngắn hạn thường dựa vào các yếu tố kỹ thuật thông qua việc phân tích biểu đồ và hành động giá. Đôi khi, sự kỳ vọng này cũng đến từ một sự kiện ngắn hạn nào đó, tác động đến giá của tài sản theo hướng tích cực hơn.
Bullish trong dài hạn
Là khi mà giá tăng lên trong một thời gian dài, vài tuần, vài tháng, vài năm, đây cũng là xu hướng chung của thị trường. Với một thị trường bullish dài hạn, mặc dù giá có biến động lên xuống thất thường thì nhìn chung là vẫn có xu hướng đi lên theo thời gian, trader mua vào sẽ có lời.
Trong thị trường bullish dài hạn, nhà đầu tư đang rất hưng phấn. Nếu là thị trường chứng khoán thì hoặc là nhà đầu tư đang vô cùng lạc quan với kết quả hoạt động của công ty ở tương lai hoặc cho rằng cổ phiếu của công ty đó đang bị định giá quá thấp so với giá trị nội tại của nó.
Nếu là thị trường forex thì các trader đang có niềm tin mãnh liệt vào sự tăng trưởng của một đồng tiền. Niềm tin này khiến họ càng hưng phấn mua vào thì giá sẽ càng tăng lên.
Bullish trên toàn ngành, toàn thị trường

Nếu ở 2 phần trên, chúng ta đang xét đến khái niệm bullish trên thị trường của một tài sản cụ thể thì ở đây, chúng ta sẽ nói đến bullish trên một thị trường tài chính nhất định. Và thị trường chứng khoán sẽ là ví dụ minh họa rõ ràng và dễ hiểu nhất.
Thị trường chứng khoán bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu… nhưng cổ phiếu chiếm gần như toàn bộ. Trong một năm, sẽ có cổ phiếu tăng giá, cổ phiếu giảm giá, sẽ có cổ phiếu tăng nhiều, tăng ít hoặc giảm nhiều, giảm ít nhưng nếu xét tổng thể toàn bộ thị trường chứng khoán mà trong năm đó, thị trường có xu hướng đi lên thì ta nói năm đó, thị trường bullish.
Và chỉ số chứng khoán (Index) chính là yếu tố đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán.
Tương tự, trong một năm, xét ngành công nghiệp thực phẩm, sẽ có cổ phiếu tăng giá, cũng như có cổ phiếu giảm giá nhưng xét toàn bộ ngành, nếu tăng giá thì ta nói trong năm đó, thị trường ngành công nghiệp thực phẩm bullish. Và sự biến động của chỉ số chứng khoán (ngành) sẽ đại diện cho toàn ngành.
Các đặc điểm và biểu hiện của thị trường bullish

Thị trường bullish hay bearish cũng là biểu hiện cho một xu hướng cụ thể của giá: tăng hoặc giảm. Mà một xu hướng thì lại được chia thành 3 giai đoạn: bắt đầu, cao trào và suy thoái.
Đối với thị trường bullish, giai đoạn bắt đầu thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhất, sau một đợt tích lũy dài hoặc chuyển tiếp từ bearish sang. Ở giai đoạn này, mức độ tăng của giá không cao, vừa tăng vừa tích lũy. Khi đã tích lũy đủ, lực mua đủ mạnh sẽ đẩy giá lên cao hơn, mức độ tăng nhiều hơn và thời gian kéo dài lâu hơn, thì đây chính là giai đoạn bùng nổ hay cao trào.
Nếu giai đoạn này có mức độ tăng mạnh mẽ thì thời gian kéo dài thường ngắn, ngược lại, vẫn bùng nổ nhưng lực tăng vừa phải, giai đoạn này sẽ kéo dài hơn. Cuối cùng, ở giai đoạn suy thoái, giá bắt đầu tăng với tốc độ chậm lại, nhịp độ tăng giảm dần, đến một lúc nào đó, lực bán mạnh hơn sẽ kéo giá đi xuống, thị trường đảo chiều.
Các đặc điểm của thị trường bullish
- Thứ nhất, giá liên tục tạo ra các đỉnh cao hơn và các đáy cao hơn
- Thứ hai, xen kẽ các đợt tăng mạnh mẽ là những đợt điều chỉnh giảm với lực điều chỉnh nhẹ, không phá vỡ cấu trúc của một xu hướng tăng
- Thứ ba, các đợt tăng phải có động lực tăng mạnh và mức độ tăng cao hơn so với mức độ giảm của các đợt điều chỉnh ngay trước đó.
Ba đặc điểm trên của một thị trường bullish thiên về mặt kỹ thuật và được đánh dấu bằng chiều hướng biến động của giá trên thị trường. Bên cạnh đó, một thị trường bullish còn được biểu hiện thông qua nhiều yếu tố cơ bản, nội tại khác như cung – cầu, tâm lý nhà đầu tư, sự thay đổi các hoạt động kinh tế.

Biểu hiện của thị trường bullish
- Trong thị trường bullish, nhu cầu mua vào cao hơn nhu cầu bán ra
- Ở thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tham gia vào thị trường hơn để tìm kiếm lợi nhuận, thể hiện thái độ và tâm lý lạc quan của họ, ngược lại, ở thị trường forex, thái độ lạc quan và sự sẵn sàng tham gia vào thị trường không phụ thuộc vào bullish hay bearish vì ở cả 2 chiều, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận. Đó là sự khác biệt.
- Đối với chứng khoán, bullish toàn thị trường xảy ra thường đi cùng với sự thay đổi của một vài biến số kinh tế như: tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm, hoạt động IPO gia tăng trên thị trường. Đối với bullish ở thị trường mỗi cổ phiếu thì đi kèm với sự gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Sự quan tâm của các phương tiện truyền thông cũng trở nên ưu ái hơn trong thị trường bullish.
Thông qua bài viết, EFX mong các nhà đầu tư có thêm kiến thức thực hiện giao dịch thành công và thu được nhiều lợi nhuận.
Xem thêm các thông tin và nhận hỗ trợ tại Fanpage
Chúc các nhà đầu tư luôn thành công!