Phương pháp Canslim là một phương pháp được sáng tạo bởi nhà đầu tư nổi tiếng William O’Neil nhằm tìm ra những cổ phiếu có sự tăng trưởng, tiềm năng tăng giá cao bằng cách kết hợp cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.
Phương pháp Canslim là gì?

Nhà đầu tư dựa vào phương pháp Canslim để tìm kiếm các cổ phiếu tăng trưởng cao tại thị trường tăng giá, nhằm sinh lời trong ngắn hạn.
Phương pháp Canslim được tạo ra bởi William J. O’Neil, một nhà môi giới chứng khoán rất thành công vào những năm 1950. Phương pháp này đòi hỏi phải mua và bán cổ phiếu liên tục, hấp dẫn các nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn.
Phương pháp Canslim này sử dụng 7 tiêu chí để chọn cổ phiếu, được thể hiện qua các chữ cái C-A-N-S-L-I-M:
C – Current Quarterly Earnings – Thu nhập hàng quý
O’Neill đặc biệt nhấn mạnh đến tăng trưởng thu nhập hàng quý. Theo đó, nhà đầu tư chỉ nên xem xét các công ty có mức tăng trưởng thu nhập hàng quý ít nhất 20% và tăng trưởng doanh số là 25%. Lợi nhuận phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, chứ ko phải hoạt động khác như tài chính hay bán tài sản.
A: Annual Earnings Growth – Tăng trưởng thu nhập hàng năm
Trong khi tăng trưởng thu nhập hàng quý bao hàm tiềm năng ngắn hạn, thì tăng trưởng thu nhập hàng năm cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc về tiềm năng dài hạn.
O’Neill gợi ý rằng tăng trưởng thu nhập hàng năm 25% là ngưỡng tối thiểu để đầu tư vào bất kỳ công ty nào, trong khi các cổ phiếu hàng đầu sẽ công bố những con số hiệu suất thậm chí còn tốt hơn thế. Và ROE (lợi nhuận trên vốn) đạt 17% trở lên.
N: New Product, Service, Management, Price Breakout – Sản phẩm mới, dịch vụ và quản lý mới, đột phá về giá
Doanh nghiệp luôn cần đổi mới để vượt trội hơn so với thị trường. Một sản phẩm, dịch vụ hoặc cách quản lý mới có thể là những thông tin tích cực, tạo đà tăng cho giá cổ phiếu của công ty.
Bên cạnh đó, sự thay đổi ban quản lý hay hội đồng quản trị cũng là một chỉ báo tích cực. Việc thực hiện thay máu cơ cấu ban lãnh đạo của một doanh nghiệp cũng là phương thức giúp thúc đẩy cho sự tăng trưởng.
S: Supply and Demand – Cung và cầu
O’Neill khuyên nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu đang trong trạng thái được mua nhiều, thậm chí khan hiếm nguồn cung.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý, các công ty có thể mua lại một phần cổ phiếu của chính họ từ thị trường để tạo nhu cầu bổ sung và sau đó làm tăng giá.
L: Leader or Laggard – Dẫn đầu hoặc tụt hậu
Không có cổ phiếu nào đảm bảo sinh lời 100%, nhưng O’Neil cho rằng, nhà đầu tư nên chọn mua các cổ phiếu dẫn dầu, thường là 2 trong 3 cổ phiếu tốt nhất trong nhóm ngành đang ở xu hướng tăng.
Nếu thị trường chung đã giảm trong một tuần mà cổ phiếu đang xem vẫn giữ ổn định (và phù hợp với các tiêu chí khác của phương pháp Canslim) thì đó là một dấu hiệu rất tốt. Khi một tín hiệu vào xảy ra, nhà đầu tư nên mua vào.
I: Institutional Sponsorship – Nhà đầu tư tổ chức
Cung cầu trong thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư tổ chức, như các quỹ tương hỗ, ngân hàng, công ty bảo hiểm… O’Neil chọn các cổ phiếu có ít nhất là từ 3 – 10 cổ đông là tổ chức với bề dày thành tích vượt trội.
Tuy nhiên, quá nhiều cổ đông tổ chức có thể cũng không tốt. Một khi cổ phiếu trở nên “định chế hóa” thì việc mua vào lúc này có thể đã quá muộn. Nếu 70 – 80% khối lượng lưu hành của một cổ phiếu đang được các tổ chức nắm giữ thì nguồn cung có lẽ đã cạn kiệt.
Do đó, thời điểm lý tưởng để mua vào là khi một cổ phiếu vừa được các nhà đầu tư tổ chức uy tín phát hiện và trước khi cổ phiếu này xuất hiện trong danh mục đầu tư của nhiều tổ chức khác.
M: Market Direction – Hướng thị trường
Đây là yếu tố quan trọng nhất trong phương pháp Canslim. Ngay cả các cổ phiếu tốt nhất cũng có thể làm nhà đầu tư thua lỗ nếu tình hình thị trường ảm đạm. Khoảng 75% cổ phiếu có biến động theo xu hướng chung của thị trường.
O’Neill chia xu hướng thị trường thành ba giai đoạn:
– Tích lũy tăng giá: Đây là thời gian tốt để mua cổ phiếu.
– Tăng dưới áp lực bán: Chỉ giải ngân với các vị thế mua mở rộng với khối lượng thấp. Ngoài ra, nhà đầu tư nên cân nhắc đóng vị thế một phần trong trường hợp cổ phiếu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu.
– Thị trường điều chỉnh: Ưu tiên quản trị rủi ro, gia tăng tỷ lệ tiền mặt trong tài khoản.
Như vậy, điểm chung của phương pháp Canslim là tìm ra thời điểm thị trường xu hướng tăng (uptrend) để tham gia và thoát khỏi thị trường khi xuất hiện xu hướng giảm (downtrend). Sau khi xác định được thị trường tốt, nhà đầu tư lọc ra các nhóm ngành tiềm năng nhất, cổ phiếu mạnh, có sức tăng trưởng để mua, tránh mua bán lan man.
O’Neil dùng các điểm mua bán theo phân tích kỹ thuật tối ưu, theo dòng tiền lớn chứ không nắm giữ bất chấp, đặc biệt không mua bình quân giá xuống, không bắt đáy, không quan tâm cổ tức hay chỉ số P/E, đúng thì gia tăng, sai thì cắt lỗ dù doanh nghiệp có tốt đến đâu. Điều này phù hợp với đầu tư ngắn hạn, lướt sóng, không áp dụng trong đầu tư dài hạn, mua theo giá trị.
Thay vì hi vọng tìm ra một siêu cổ phiếu, mua vào và chờ tăng giá gấp 2-3 lần, phương pháp Canslim hướng đến đầu tư theo đà tăng trưởng, tìm các đoạn cổ phiếu tăng 20-30% và sẵn sàng bán thoát nếu thấy rủi ro, chấp nhận cắt lỗ ở mức 7% – 8%.
Phương pháp Canslim có thể tạo ra số lượng lớn các giao dịch. Việc liên tục mua, bán cổ phiếu khiến nhà đầu tư phải trả nhiều thuế và phí giao dịch hơn.

Hạn chế của phương pháp Canslim:
Phương pháp Canslim chỉ thống kê hiện tượng mà chưa lý giải được bản chất:
Việc áp dụng máy móc, không linh hoạt trong đầu tư rất dễ bi rơi vào bẫy bị động. Nhà đầu tư gần như không dám mạo hiểm đầu tư lớn mà phân bổ ra nhiều danh mục nhỏ lẻ, dẫn đến việc không được tối ưu được khoản đầu tư.
Việc tìm – chọn lựa và đầu tư vào một mã cổ phiếu cũng trở nên khó hơn. Tuy nhiên, nếu không thực sự tìm hiểu kỹ và sâu tình hình hoạt động kinh doanh của một công ty thì nhà đầu tư dễ bị lung lay khi thị trường cổ phiếu bị dao động và có xu hướng đảo chiều.
Nếu đầu tư 1-2 mã cổ phiếu mà chưa thành công thì bạn sẽ có xu hướng tìm một mô hình khác, phương pháp khác… để đầu tư. Đó là hậu quả của việc chưa nắm hết được bản chất vấn đề của phương pháp Canslim.
Phương pháp Canslim không thật sự hiệu quả với những doanh nghiệp đặc thù:
Theo nhận định chung thì thời của O’Neil chưa xuất hiện nhiều mô hình doanh nghiệp mới như ngày nay. Do đó với một số đặc thù riêng của từng ngành nghề thì các tiêu chí của phương pháp Canslim lại hơi máy móc, thiếu tính linh hoạt.
Đến thời điểm hiện tại đó được xem là bộ tài liệu tham khảo cho những nhà đầu tư chứng khoán mới bước chân vào thị trường chứng khoán.
Phương pháp Canslim thiếu sót nhiều tiêu chí quan trọng:
Hiện tại nhiều công ty chú ý đến các tiêu chí vô hình như lợi thế cạnh tranh bền vững, cách lãnh đạo, mô hình kinh doanh đột phá, phát triển sản phẩm,…những cái này ngày càng quan trọng để nhà đầu tư đánh giá độ khả thi của cổ phiếu.
Phương pháp Canslim đưa ra một hệ thống các tiêu chuẩn mà nếu tuân thủ nguyên bản có thể bạn sẽ phải trả giá cho các thương vụ thảm họa vì có những tiêu cực trong bộ máy lãnh đạo, hay doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh.
Tất nhiên phải đặt trong bối cảnh thời đại của O’Neil sinh sống, các tiêu chí vô hình này vẫn chưa được coi trọng. Vì vậy, nếu bạn có ý định đi sâu hơn về phân tích, thì phương pháp Canslim là chưa đủ.
Thông qua bài viết, EFX mong các nhà đầu tư có thêm kiến thức thực hiện giao dịch thành công và thu được nhiều lợi nhuận.
Xem thêm các thông tin và nhận hỗ trợ tại Fanpage
Chúc các nhà đầu tư luôn thành công!